
Báo cáo “Việt Nam – Đất lành cho Khởi nghiệp: Tại sao không?” mô tả một cách ngắn gọn quan điểm và mong muốn của những cá nhân tham gia khởi nghiệp về những yếu tố cần thiết để thực sự đưa Việt Nam trở thành miền đất lành cho khởi nghiệp. Báo cáo này được Economica Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Với phần 1 của Bài viết VIỆT NAM – Đất lành cho khởi nghiệp: Tại sao không ? chúng ta đã cùng tìm hiểu về đặc điểm chung của các Start-up Việt. Tiếp đến Phần 2.1 của bài viết để chúng ta đã cùng yếu tố đầu tiên Cần làm để Việt Nam trở thành Đất lành cho Khởi nghiệp” chính là hiểu đúng về khởi nghiệp và giá trị của khởi nghiệp.
Hôm nay, chúng ta sẽ bước đến phần 2.2 của bài viết, cùng tiểu hiểu yếu tố thứ hai để xây dựng Việt Nam Đất nước khởi nghiệp chính là “Quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo được đảm bảo”.
A. Tình hình thực tiễn
Có nhiều yếu tố tác động đến tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia. Nhưng yếu tố quan trọng nhất phải nhắc đến là hệ thống pháp luật và các thể chế thị trường xác lập và tôn trọng tuyệt đối quyền sở hữu và quyền tự do kinh doanh, quyền tự do sáng tạo của người dân.
Quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh là những quyền cơ bản của con người, được
khẳng định trong Hiến pháp và các đạo luật quan trọng. Nhiệm vụ chính của cơ quan nhà
nước là phải bảo vệ và đảm bảo sự thực thi cũng như hỗ trợ người dân thực hiện đúng quyền này.

Quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh là những quyền cơ bản
Nguyên lý hiển nhiên và giản đơn này – vốn là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của người dân – vẫn hàng ngày bị thách thức bởi một số quy định lạ lùng, hoặc cách hành xử vô cảm của một số công chức, viên chức trong bộ máy chính
quyền. Và kết quả là, giữa các văn bản pháp luật và thực tế vẫn luôn tồn tại một khoảng
cách lớn cần được thu hẹp.

Những khoảng cách quá lớn đó khiến việc bắt tay vào kinh doanh trở nên rủi ro, ít nhất trong quan niệm và ý nghĩ của người mới bắt đầu. Có quá nhiều rủi ro và cạm bẫy về pháp lý, hoàn toàn có thể khiến “…mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù”, như ý kiến cá nhân của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi trả lời báo chí về vụ việc của Quán cà phê Xin Chào hồi cuối năm 2015. Chủ quán cà phê Xin chào bị khởi tố hình sự vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày tại Quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Quả thực, vụ việc của Quán cà phê Xin Chào, với ý tưởng kinh doanh tưởng như quá đỗi quen thuộc và an toàn là “bán phở” nhưng cũng “bị khởi tố”, đã trở nên nghiêm trọng, nhìn từ góc độ khởi nghiệp. Rõ ràng, nếu vụ việc này được đưa ra tòa, dù phán quyết có
hậu là chủ quán vô tội, thì người dân, doanh nghiệp vẫn không thể an tâm với môi trường kinh doanh rủi ro, dễ bị hình sự hóa như vậy.
Dù chỉ xảy ra đơn lẻ, nhưng vụ việc này ít nhiều sẽ vẫn khiến người khởi nghiệp tự hỏi bản thân, có chăng một ngày nào, việc này sẽ xảy ra với mình, với doanh nghiệp mình và các cộng sự của mình?
B. Đề xuất giải pháp – Lối đi hẹp sau cánh cổng rộng
1. Quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản hợp pháp cần được bảo vệ
Thử nhìn môi trường kinh doanh của Việt Nam, đôi lúc tự do kinh doanh bị đặt vào ranh giới nguy hiểm giữa pháp luật hình sự và pháp luật về doanh nghiệp. Lằn ranh giữa hai hệ thống pháp luật này quá mờ nhạt. Doanh nghiệp đụng đâu sai đó, có thể vi phạm hình sự bất cứ lúc nào.
Hãy hình dung về việc sa thải lao động, một bài toán hóc búa thiếu lời giải cho các doanh nhân. Cứ mười vụ tranh chấp lao động về sa thải, thì có đến chín vụ phần sai sẽ bị xác định dành cho doanh nghiệp. Vậy mà ở Việt Nam, theo Bộ luật Hình sự, người sử dụng lao động có thể dễ dàng đi tù nếu sa thải người lao động trái pháp luật. Điều đáng nói là ranh giới cấu thành tội phạm này theo Bộ luật Hình sự khá dễ dàng. Hay chỉ cần đóng thiếu tiền bảo hiểm ở một mức khá đơn giản đã có thể bị đi tù về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Có những ngành nghề đã bị nâng thành tội phạm hình sự như kinh doanh vàng tài khoản trực tuyến, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng máy tính viễn thông trái phép… Trong khi đó, nghịch lý là những việc kinh doanh này không nằm trong nhóm 6 ngành nghề pháp luật doanh nghiệp cấm. Điều này đương nhiên ảnh hưởng đến giá trị tự do kinh doanh.
Giá trị này còn bị suy giảm nhiều trong quá trình doanh nghiệp có sự tiếp xúc với các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, tài chính, lĩnh vực khác. Ở đó, khi có quan điểm trái chiều phần lợi thế diễn giải thuộc về các cơ quan hành chính và bất lợi luôn nghiêng về doanh nghiệp. Thực trạng của tự do kinh doanh hiện nay là hình tượng một cánh cổng tự do rất lớn, nhưng phía sau cánh cổng ấy lại một lối đi hẹp.
Cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam mong muốn được thấy rằng những thay đổi vô cùng lớn của hệ thống pháp luật trong những thập niên vừa qua nhằm củng cố quyền sở hữu tài sản hợp pháp của người dân, của doanh nghiệp cũng như quyền tự do kinh doanh sẽ không bị phá hủy bởi cách hành xử của một bộ phận cán bộ thừa hành nhiệm vụ. Cách hành xử chưa đúng chuẩn đó có thể do nhận thức chưa bắt kịp các tư tưởng tiến bộ nhằm bảo vệ các quyền cơ bản này của người dân và doanh nghiệp, hoặc do những động cơ riêng.
2. Quyền tự do nghiên cứu sáng tạo, sở hữu trí tuệ cần được bảo vệ
Tất cả đều cần phải được điều chỉnh nhằm giải phóng nguồn lực lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Ngoài quyền tự do kinh doanh, quyền tự do nghiên cứu sáng tạo cũng là một trong những tiền đề quan trọng để từng người dân, doanh nghiệp phát huy năng lực sáng tạo của bản thân và đưa các ý tưởng, kết quả nghiên cứu, công trình sáng tạo đó vào cuộc sống qua hình thức khởi nghiệp. Vì vậy, quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo cần được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Quan trọng hơn, người dân và doanh nghiệp phải được bảo vệ về quyền “hưởng thụ” các kết quả từ công trình nghiên cứu và sáng tạo của mình. Điều này bao gồm quyền được đưa sản phẩm, công trình sáng tạo ra thị trường, thương mại hóa và được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật, bao gồm hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả…
Một nền kinh tế trong đó tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan, mọi ý tưởng đểu có thể dễ dàng bị đánh cắp và sao chép mà không bị trừng phạt đích đáng, phải vượt qua một rừng các thủ tục và giấy phép để có thể thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo rõ ràng chưa phải là một môi trường khuyến khích cho các hoạt động khởi nghiệp. Quả thực, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn làn đến đâu, danh sách ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị cấm, hoặc kinh doanh có điều kiện, hoặc kinh doanh phải xin phép càng dài đến
đâu, biên giới của tự do sáng tạo sẽ càng bị thu hẹp đến đó.
Tôn trọng và bảo hộ việc thực thi đầy đủ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo do vậy sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam.