Chúng ta đều có thể chứng kiến rất rõ những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 để lại trên tất cả các phương diện trong cuộc sống. Mọi doanh nghiệp đều đang chịu áp lực nặng nề, không chỉ vì vừa phải vật lộn để xử lý khủng hoảng trong thời điểm hiện tại, mà còn phải lên kế hoạch cho một bối cảnh tương lai quá khó khăn phía trước. Làm thế nào để các bên liên quan (stakeholder) có thể chung tay vực dậy nền kinh tế? Họ nên làm mới chuỗi cung ứng của mình ra sao để nó trở nên vững vàng hơn trước? Phải làm gì để tránh những sai lầm đã mắc phải trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, mà những sai lầm này đến từ bất kỳ nguyên nhân nào đi nữa?
Trước tình thế vô cùng nghiêm trọng mà có thể nói là chưa từng xảy ra kể từ Thế chiến II, các nhà lãnh đạo vô cùng lo lắng, không chỉ bởi những mối đe dọa đối với sự tồn tại của công ty, mà còn vì những nguy hiểm tiềm ẩn về sức khỏe, khi đối mặt với khách hàng, nhân viên, thậm chí là chính bản thân và gia đình của họ.
Ngay tại thời điểm đòi hỏi sự thích nghi mau chóng để đối phó và mạo hiểm làm những thứ khó xác định, các nhà lãnh đạo có thể sẽ trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng nếu họ quá thụ động trong cách xử lý tình hình – không muốn đổi mới, chỉ áp dụng các phương pháp trong quá khứ thay vì đưa ra những chiến lược cần thiết mới.
Bên cạnh đó, khi lệnh giãn cách xã hội ngày càng kéo dài, ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp không thể có những cuộc họp trực tiếp để bàn luận về những vấn đề có tính ảnh hưởng cao, từ đó dẫn đến suy đoán rằng tỉ lệ tăng trưởng cũng theo đó mà đứng yên. Từ những đánh giá và phân tích nêu trên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 3 sai lầm trong xử lý khủng hoảng mà các nhà lãnh đạo nên tránh và cách khắc phục chúng.
Cạm bẫy thứ nhất: Suy nghĩ hẹp hòi
Bạn có thể nghĩ rằng, các cuộc khủng hoảng đang làm cho mọi người trở nên sáng tạo hơn (nghĩa là “Trong cái khó, ló cái khôn”). Nhưng thật ra, con người có xu hướng tìm kiếm sự an toàn và chắc chắn để tìm lối thoát cho những khó khăn. Các lãnh đạo có thể khắc phục xu hướng này bằng cách đặt ra những câu hỏi quan trọng sau:
- Các doanh nghiệp khác đang làm gì trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh tiềm năng trong cùng lĩnh vực? Việc tập trung vào những người tham gia trong cùng lĩnh vực của bạn là rất hữu ích, bởi vì họ ít có khả năng dùng những thói quen lỗi thời để giải quyết vấn đề.
- Kế hoạch đối phó với thảm họa mà chúng ta đã tạo ra và diễn tập có phù hợp cho cuộc khủng hoảng đặc biệt lần này? Thảo luận rõ ràng về vấn đề này sẽ giúp các giám đốc điều hành và lãnh đạo hiểu rõ tại sao họ lại nên áp dụng các giải pháp đó (bởi vì chúng là những phương hướng tốt nhất hay chỉ vì muốn hạn chế sự mất thời gian khi phải nghĩ ra những giải pháp mới).
- Những cố vấn bên ngoài nào có thể giúp bạn mở rộng tầm nhìn đến những ngành công nghiệp khác và những khu vực khác? Một số cố vấn hiện tại của công ty (ví dụ: luật sư, chuyên gia tư vấn và kiểm toán viên) đã từng làm việc với những công ty, doanh nghiệp từ các quốc gia khác sẽ có thể giúp các lãnh đạo mở rộng hiểu biết và điều chỉnh các giải pháp tiềm năng.
Cạm bẫy thứ hai: Quá ỷ lại vào cấp trên
Khi đối mặt với khó khăn, mọi người có xu hướng tìm đến cấp trên để tham khảo ý kiến của họ nhằm trấn an bản thân. Nhưng chúng ta, đặc biệt là các giám đốc điều hành và những lãnh đạo bậc trung, không nên quá phụ thuộc vào lãnh đạo cấp cao nhất, mà thay vào đó, hãy chắc chắn rằng mình đang tận dụng các kỹ năng và quan điểm của tất cả các nhà lãnh đạo. Sẽ tốt hơn nếu bạn đặt ra cho mình những câu hỏi dưới đây:
- Bạn có thật sự hiểu được quan điểm của những giám đốc độc lập (independent director) chưa? Hãy lưu ý, nếu Chủ tịch hội đồng quản trị đồng thời cũng là Giám đốc điều hành, hãy đảm bảo rằng các giám đốc độc lập cảm thấy thoải mái khi đưa ra quan điểm thay thế.
- Các giám đốc có quá lạm quyền trong việc đưa ra quyết định không? Nói cách khác, các ủy ban hội đồng có được triệu tập để xử lý những chủ đề nóng và sau đó cung cấp đủ yếu tố cần thiết cho các cuộc thảo luận đầy đủ của hội đồng không?
- Có phải các giám đốc điều hành cấp cao đã quá tin tưởng vào giám đốc điều hành cấp thấp để đưa ra quyết định, lên kế hoạch cho hướng đi phía trước và giao tiếp với các bên liên quan? Thực tế, mọi thành viên trong nhóm đều phải được tham gia vào việc lên kế hoạch các giải pháp và thảo luận những vấn đề đang diễn ra. Hãy chắc chắn rằng mọi người đều đang làm đúng trách nhiệm của mình.
Xem thêm: 4 điều nhà lãnh đạo cần cân nhắc khi thay đổi thời gian biểu làm việc của nhân viên
Cạm bẫy thứ ba: Sự thỏa hiệp
Nghiên cứu của các học giả như nhà tâm lý học Irving L. Janis. cho thấy, mọi người thường cảm thấy áp lực và lo lắng khi phải đưa ra ý tưởng cho việc giải quyết khủng hoảng bởi vì muốn giữ hòa khí, hoặc là những lí do khác điển hình như: Chúng tôi không muốn làm cho tiến độ xử lý chậm lại, vì vậy chúng tôi giữ im lặng.
Một nguyên nhân khác là do số đông trong tập thể đó. Một khi đã đạt được quyết định sơ bộ hoặc sự đồng ý với kế hoạch ban đầu, họ sẽ tạo áp lực lên những người bất đồng ý kiến nhằm đạt được sự thống nhất. Do đó, những ý tưởng khả thi hơn thường bị bỏ qua.
Để tránh những cạm bẫy này, bạn nên đặt ra những câu hỏi như sau:
- Có phải tất cả mọi người đã nắm được thông tin một cách đầy đủ và có cơ hội để đưa ra ý kiến của riêng mình trước khi lắng nghe người khác đưa ra quan điểm? Có phải tất cả mọi người đều hiểu, đánh giá cao các vấn đề và có cơ hội đặt câu hỏi trước khi chúng được trình bày với bất kỳ giải pháp đề xuất nào khác? Chẳng hạn, các giám đốc đã được phổ cập, có kiến thức cần thiết trong việc giải quyết khủng hoảng hay chưa? (Ví dụ: người đứng đầu chuỗi cung ứng thường không có thẩm quyền như hội đồng quản trị).
- Có phải tất cả các chuyên gia đều sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn của họ? Cùng một vấn đề, mỗi chuyên gia sẽ có cách nhìn khác nhau thông qua lăng kính của chính mình và vì thế mà các khuyến nghị được đưa ra sẽ không giống nhau. Nếu vậy, đội ngũ lãnh đạo cấp cao và hội đồng quản trị có nắm bắt được tất cả những quan điểm khác nhau đó không?
- Liệu đội ngũ lãnh đạo cấp cao chỉ đơn giản là chấp nhận giải pháp hợp lý đầu tiên, hay sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế tốt hơn? Nhóm nên cố gắng đưa ra một loạt các giả thuyết có thể xảy ra trong tương lai và các lựa chọn khác nhau tùy theo từng trường hợp.
Việc đặt ra những câu hỏi đã nêu trên và tìm kiếm câu trả lời chân thật đôi khi sẽ có thể bị xem là làm chậm quá trình xử lý khủng hoảng. Tuy nhiên, khi các nhà lãnh đạo đặt ra những câu hỏi hóc búa sẽ ít có khả năng lãng phí thời gian và tiền bạc để bảo vệ những thứ lỗi thời hơn. Và quan trọng là, họ sẽ có nhiều khả năng thực hiện công việc tốt nhất có thể khi chuẩn bị phương hướng kinh doanh cho bất kỳ kịch bản nào có thể xảy ra trong tương lai.
Heidi K. Gardner & Randall S. Peterson
Người dịch: Xuân Thịnh
Nguồn: https://hbr.org/2020/04/executives-and-boards-avoid-these-missteps-in-a-crisis