Nhiều năm trước đây, tôi từng là thành viên trong một hội đồng chấp pháp. Tuy được xem là một tập thể nhưng mỗi thành viên lại có những phẩm chất, quan điểm trái ngược nhau và chính điều này khiến chúng tôi thật sự trở thành một mớ hỗn loạn.
Tuy là không lâu sau đó tôi đã rời khỏi hội đồng, nhưng khoảng thời gian kia cũng đã giúp tôi hiểu tường tận phong cách lãnh đạo của mỗi vị giám đốc.
Trong hội đồng, tôi đặc biệt có ấn tượng với một người bởi khả năng quan sát vấn đề dưới nhiều góc độ của anh ta. Thế nhưng sự tự tin thái quá và có chút kiêu ngạo của anh ta lại khiến cho những người khác không được thoải mái lắm.
Bạn biết đấy, một nhà lãnh đạo sẽ không thể duy trì tiếng nói của mình lâu dài nếu như người đó thường xuyên bộc lộ những tính cách như phách lối, khoác lác và chuyên quyền. Theo thời gian, những gì đọng lại trong cảm nhận của mọi người về nhà lãnh đạo đó sẽ chỉ dừng lại ở những gì anh ta thể hiện. Cũng vậy, mặc dù người ủy viên mà tôi nhắc đến có nhiều ý tưởng rất sáng tạo nhưng số người tán đồng với anh ta trong các buổi họp lại không nhiều lắm.
Vậy, những nhà lãnh đạo, quản lý cần những phẩm chất gì để có thể tạo thiện cảm và xây dựng lòng tin với cấp dưới của họ?
1. Nhà lãnh đạo vĩ đại có bản lĩnh nhìn nhận sai lầm
Những nhà lãnh đạo vĩ đại biết rõ việc tìm ra những giải pháp đúng đắn sẽ quan trọng hơn việc mặc định bản thân luôn đúng.
Một nhà lãnh đạo được tôn trọng không phải vì sự bảo thủ luôn cho mình là đúng hay vì luôn tạo sức ép lên người khác, mà bởi vì họ không ngần ngại nhìn nhận những sai lầm của mình.
Nhưng có nhiều nhà lãnh đạo lại không làm được như thế. Tư tưởng chuyên quyền, thái độ không tôn trọng ý kiến của người khác thường là những “lối mòn” trong ý thức của họ, khiến cho những người khác cảm thấy e ngại khi phải nghe theo họ và thường chỉ nghe theo để tránh gặp rắc rối. Mặt khác, họ cũng luôn cho rằng những quyết định của họ đều đúng và họ muốn mọi người phải công nhận điều đó. Kiểu hành vi này dễ nhầm lẫn với sự tự tin, nhưng thực tế, đây là biểu hiện của hành vi bắt nạt, áp đặt ý thức.
Vì vậy, một nhà lãnh đạo có thể xây dựng lòng tin nơi nhân viên của mình hay không phụ thuộc vào bản lĩnh dám nhìn nhận sai lầm của bản thân.
2. Nhà lãnh đạo vĩ đại biết lắng nghe và tiếp thu
Những nhà lãnh đạo vĩ đại biết rõ giới hạn hiểu biết của mình và không ngừng mở rộng giới hạn đó. Họ biết rằng lắng nghe có thể giúp họ làm được điều đó.
Làm thế nào để nhận biết một nhà lãnh đạo thiếu bản lĩnh? Họ thường khoe khoang về thành tích như một chiếc mặt nạ để che đậy sự thiếu tự tin của bản thân, trong khi các nhà lãnh đạo thật sự tài giỏi sẽ thường không thể hiện nhiều nhưng họ luôn biết rõ mình muốn gì. Ngoài ra, họ cũng luôn muốn hiểu được suy nghĩ của những người khác.
Nói một cách thực tế hơn thì, những nhà lãnh đạo như thế sẽ để nhân viên mình được tự do suy nghĩ và tham gia vào các cuộc thảo luận. Họ thường đưa ra những câu hỏi giúp nhân viên nêu lên được suy nghĩ và ý kiến của mình: “Bạn nghĩ xem chúng ta nên hoàn thành nó như thế nào?”, “Bạn muốn đề xuất phương án nào không?”, “Anh thấy việc này có giúp ích gì cho mình chứ?”. Không chỉ thế, những câu hỏi này còn khiến các nhân viên hoạt động tích cực và hiệu quả hơn rất nhiều.
Xem thêm: Sai lầm trong xử lý khủng hoảng nhà lãnh đạo cần tránh
3. Nhà lãnh đạo vĩ đại luôn khiêm nhường
Những nhà lãnh đạo vĩ đại không cần trở thành anh hùng trong mắt người khác. Họ dành những vinh quang đó cho nhân viên của mình, vì họ hiểu rằng những chiến thắng đó sẽ làm cho nhân viên của mình có thêm tự tin cũng như lòng tin ở họ.
4. Nhà lãnh đạo vĩ đại không ngần ngại tìm kiếm lời khuyên và sự giúp đỡ
“Where there is no guidance the people fall, but in abundance of counselors there is victory.”
“Con người thất bại khi thiếu vắng lời khuyên, nhưng sẽ chiến thắng ở nơi tràn ngập sự chỉ dẫn.”
Nếu như họ sẵn sàng thừa nhận điểm yếu của bản thân, họ cũng sẽ không ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.
Họ cũng không ngừng tìm kiếm và học hỏi từ những lời khuyên, hướng dẫn trong sự tin tưởng . Những điều này giúp họ nhìn rõ được con đường, hướng đi của bản thân và doanh nghiệp của họ.
5. Nhà lãnh đạo vĩ đại xem nhân viên như đối tác kinh doanh của mình
Mọi người đều sẽ hài lòng và muốn gắn bó với bạn nếu họ cảm thấy được làm chủ công việc của bản thân như các chủ doanh nghiệp thực thụ.
Một khi đã đầu tư vào những mối quan hệ xung quanh và xây dựng được lòng tin bền vững theo thời gian, những nhà lãnh đạo này sẽ mang lại cho nhân viên của mình cảm giác được trở thành những nhà đầu tư của doanh nghiệp. Họ trao quyền và dẫn dắt đội ngũ của mình làm việc theo tinh thần như những doanh nhân với nhau.
Marcel Schwantes
Nhà sáng lập Leadership from the Core
Nguồn: http://www.inc.com/marcel-schwantes/10-habits-that-make-great-managers-unforgettable.html