Các nhà thiết kế có thể sử dụng rất nhiều công cụ sáng tạo để cho ra đời những ý tưởng đa dạng. Nhưng chắc chắn không có công cụ nào khác thường hơn là “suy nghĩ sai lầm”, hay còn gọi là suy nghĩ nghịch chiều (reverse thinking). Suy nghĩ nghịch chiều là khi bạn suy nghĩ một cách có mục đích về những “ý tưởng tồi tệ có khả năng xảy ra” – một chiều hoàn toàn trái ngược với những giải pháp thông thường và có logic. Những ý tưởng này có thể khiến cho bạn bị chế nhạo hoặc thậm chí là bị sa thải và phải bắt đầu lại mọi thứ để giải quyết những vấn đề cũ.
Ví dụ như, một trong những khám phá quan trọng nhất về khả năng giải mã trình tự bộ gen của con người xuất phát từ Fred Sanger – người đã đổi chiều quy trình của mình nhằm đạt được sự đột phá. Tác giả Siddharta Mukerjee đã giải thích trong cuốn sách “Gen” rằng Sanger “đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch của mình và đã cố gắng xây dựng lại DNA, thay vì phá vỡ nó.” Những suy nghĩ nghịch chiều này đã giúp ông đạt được giải Nobel thứ 2 trong lĩnh vực hóa học vào năm 1980 cho những đóng góp về trình tự di truyền.
Francois Mallmann, một đầu bếp nổi tiếng người Argentina đã xuất hiện trong những tập phim tài liệu trên đài Netflix có tên là “Bàn của bếp trưởng”, đã ra khỏi vùng an toàn của mình để cùng một nhóm đầu bếp trẻ với rất ít kinh nghiệm đi đến một vùng đất hoang dã ở Patagonia và nấu ăn. Không chỉ thế, nơi này không hề có không gian bếp nhất định hay bất kì phụ bếp nào. Mallmann không vì vậy mà nản lòng, ông đặt tên cho nhóm của mình là nhóm đầu bếp Digan – những người thích đi đây đi đó. Cuối cùng, nhờ những suy nghĩ nghịch chiều của bản thân về những thứ mà một đầu bếp có thể thực hiện và cách để thực hiện chúng, ông đã tạo ra những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời trong chuyến phiêu lưu và những điều này dường như không thể tìm thấy trong các nhà hàng tiêu chuẩn.
Mickey McManus – nhà nghiên cứu về AutoDesk kiêm chủ tịch của Maya Design đã hoán đổi vai trò với thực tập sinh của ông ấy – Lisa Rotzinger trong hội thảo “Design the Work You Love”. Cụ thể, Lisa trở thành người lãnh đạo còn Mickey sẽ thay thế vai trò của cô. Mickey đã giải thích rằng “Vai trò của chúng ta như một nhà lãnh đạo là để trở thành một siêu anh hùng, bay đến và kiểm soát mọi thứ. Nhưng điều tuyệt nhất mà bạn có thể làm chính là phục vụ những người khác. Tôi đã nghĩ, sẽ thế nào nếu mình trở thành một người bạn đồng hành mang tất cả những khó khăn dọn dẹp sạch sẽ và để cho những “anh hùng” này học cách sử dụng đôi cánh của họ.” Khi Lisa bắt đầu làm việc tại Autodesk, McManus đã đưa cho cô một mẩu giấy ghi chú có viết tên đề tài mà cô sẽ nghiên cứu: Internet of Things (IoT), Machine Learning, and Generative Design. Ông đã nói với cô rằng công việc của cô là “khám phá những điều mà tôi chưa biết”, sau đó trao toàn bộ quyền quyết định cho cô với thời hạn là 2 tuần sau và trong lúc đó ông sẽ đi du lịch. Khi ông quay về, những khám phá của cô ấy thật sự đã đem đến nhiều điều mới lạ hơn cả những gì mà ông mong đợi. Họ đã áp dụng những khám phá của cô vào kế hoạch nghiên cứu của Autodesk, được gọi là Primordia, sau đó vào buổi thuyết trình của McManus, Lisa đã thành công trình bày dự án trước 400 chuyên viên cấp cao và khách hàng. Dưới đây là 3 cách sẽ giúp bạn hô biến những ý tưởng tồi tệ trở thành những ý tưởng tuyệt vời nhất.
1. Một lần nữa trở thành người mới
Thuyết “kōan” – một học thuyết rất phổ biến của thiền sư Shunryu Suziki đã chỉ ra rằng: “Trong tư duy của những người mới bắt đầu, có rất nhiều điều đều có thể thực hiện được, nhưng với một chuyên gia, những điều này ít hơn hẳn.” Vì vậy, trở thành người mới bắt đầu sẽ thay đổi quan điểm của chúng ta. Ngoài ra, “kōan” cũng khuyên rằng, con người nên mở rộng tư duy của mình nhất có thể. Trong tâm thế của một người mới bắt đầu, chúng ta sẽ biết lắng nghe, đặt câu hỏi nhiều hơn và quan tâm hơn đến trải nghiệm từ những người xung quanh, thậm chí là từ những người trẻ hơn và có ít kinh nghiệm hơn. Không chỉ thế, một người mới bắt đầu cũng sẽ tự biết vị trí của mình ở đâu mà thật sự nỗ lực học hỏi, và nhờ vậy mà họ sẽ nhận được nhiều hơn, như ở trên Mickey đã nhận ra, rằng “thành công xuất phát từ thái độ khiêm tốn.”
Thật vậy, những hiểu biết đột phá của Lisa xuất phát từ quan điểm của một nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm đã đem đến cho McManus những ý tưởng mới lạ và độc đáo. Nói cách khác, ông ấy đã được truyền cảm hứng. McManus gọi vị trí mới của mình là một thực tập sinh “chuyên nghiệp” thay vì một thực tập sinh mới gia nhập vào công ty. Để có cái nhìn thực tế và sâu sắc hơn với cách thức độc đáo này, hãy thử áp dụng nó với các thực tập sinh của bạn, thử tưởng tượng xem sẽ thế nào nếu thứ Hai tuần sau, bạn nói với họ rằng “Hôm nay tôi sẽ trở thành thực tập sinh của bạn.”
2. Thưởng cho nhân viên
Hãy lắng nghe mọi người thay vì ra lệnh cho họ làm cái này cái kia và cho phép nhân viên của bạn được tự do tìm kiếm,vận dụng những ý tưởng mới và đi đến những kết luận riêng của họ. Ví dụ, hãy xác định đâu là những rắc rối đang cản trở nhóm của bạn? Có một cái nhìn bao quát (trong trường hợp này hãy sử dụng góc nhìn của một người hậu cần) sẽ giúp bạn nhìn ra những khó khăn, thử thách mà vẫn có thể giao cho nhân viên quyền tự chủ trong việc giải quyết các vấn đề trên.
Dara Dotz đang xóa bỏ những trở ngại để phục hồi nhanh chóng từ các thảm hoạ nhân đạo (humanitarian disasters) với tổ chức phi chính phủ của bà – Field Ready. Thay vì dựa vào chuỗi cung ứng chậm chạp, tốn kém làm nguồn hàng cứu trợ thiên tai, Field Ready cũng cấp cho người dân ở các khu vực bị thiên tai những công nghệ và kỹ thuật chuyên môn để cung cấp cho họ nguồn lực phục hồi và duy trì cuộc sống. Để giúp những nạn nhân của thảm họa tự nhiên nhận ra được khả năng tự hồi phục của họ, tổ chức Field Ready bắt đầu bằng việc lắng nghe. Ngay lập tức những nạn nhân đã trở thành người hùng, cùng với những nhà thiết kế và kỹ sư với tư cách những phụ tá đã phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp tốt nhất. Trao quyền cho nhóm của bạn đồng nghĩa với trao quyền để mọi người đưa ra các giải pháp và đổi mới, như cách mà McManus đã làm với Lisa qua việc lắng nghe và học hỏi những khám phá của cô ấy, khuyến khích sự tham gia của cô vào công việc và trao cho cô sự tin tưởng để đem trình bày bài thuyết trình chung cuộc.
Xem thêm: Muốn trở thành một nhà lãnh đạo tốt thì bạn cần có “trí tuệ tổ chức”
3. Xóa bỏ ranh giới cấp bậc
Mối quan hệ kẻ chính – người phụ mà Mickey đã tạo lập với Lisa đã loại trừ những cấp bậc thông thường. Cô ấy có một vị trí ngay bên cạnh CEO và CTO. Mickey đã nhờ cô dạy cho ông ta một vài thứ và trao cho cô quyền trình bày một bài thuyết trình quan trọng vào cuối dự án. Mickey đã phát biểu rằng: “Lisa ở độ tuổi 23 đã hoàn tất xuất sắc phần trình bày dự án, và cô ấy đã làm điều này trước 400 nhân viên cấp cao cùng với các khách hàng quan trọng, điều này thật đáng để noi theo.” Khi chúng ta cho phép nhân viên của mình – những người đang tiến lên trên con đường sự nghiệp của họ trở thành một người hùng và hỗ trợ đồng thời học hỏi từ họ, chúng ta sẽ tìm ra những ý tưởng tuyệt vời.
Lisa đã ở lại Autodesk thêm 1 kỳ thực tập nữa trước khi quay lại trường học. Sau đó cô đã tốt nghiệp và trở thành nhân viên chính thức của Autodesk với vai trò là một chiến lược gia. Còn Mickey vẫn tiếp tục với vai trò một người hùng nhưng luôn chiến đấu như một phụ tá, học hỏi những điều ông chưa biết và luôn nỗ lực trở nên hoàn thiện hơn.
Hãy nhớ rằng, chìa khóa cho những suy nghĩ nghịch chiều dường như đến từ những ý tưởng tệ nhất mang tính thách thức hiện trạng, chúng đẩy chúng ta vào những hoàn cảnh mới và mang đến những ý tưởng phá vỡ những nguyên tắc truyền thống cũng như vượt qua những định kiến. Khi cho phép bản thân nghĩ về những ý tưởng tồi tệ, chúng ta cũng đồng thời cho phép những ý tưởng tuyệt vời đến với bản thân.
Ayse Birsel
Nguồn: https://hbr.org/2017/08/to-come-up-with-a-good-idea-start-by-imagining-the-worst-idea-possible