Mở một doanh nghiệp mới – cho dù đó là một doanh nghiệp khởi nghiệp, một doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoặc chỉ là một chi nhánh trong một doanh nghiệp lớn – luôn luôn là một dự định đầy tính may rủi.
Theo công thức của nhiều thập niên trước đây, bạn sẽ phải viết một bản kế hoạch kinh doanh, rồi ném nó cho các nhà đầu tư, sau đó tập hợp một đội ngũ nhân lực, cho ra mắt một vài sản phẩm và bắt đầu bán chúng được càng nhiều càng tốt. Và vấn đề thường hay xảy ra ở đây là, bạn sẽ gặp phải thất bại ở đâu đó trong những bước trên. Như một nghiên cứu mới của giáo sư Shikhar Ghosh tại trường Kinh Doanh Harvard cho thấy: 75% tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp đều chịu thất bại – thật sự, lợi thế không thuộc về các doanh nhân đang muốn tự làm chủ sự nghiệp của chính mình.
Phương pháp Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) là một phương pháp hoàn toàn khác biệt, có thể bù đắp lại những rủi ro có thể xuất hiện trong suốt quá trình xây dựng một doanh nghiệp mới. Phương pháp này chú trọng đến việc thử nghiệm hơn là xây dựng kế hoạch – đến thông tin phản hồi hơn là từ trực giác – đến thiết kế lặp lại từng bước (iterative design) hơn là kiểu phát triển hoàn chỉnh ngay từ đầu theo truyền thống. Mặc dù phương pháp này chỉ mới xuất hiện được vài năm, các khái niệm của phương pháp này – như “sản phẩm ở mức tối thiểu” và “ thay đổi điểm mấu chốt” – đã nhanh chóng bắt rễ vào thế giới của các startup, và các trường kinh doanh đã bắt đầu thay đổi giáo trình để áp dụng phương pháp này vào quá trình đào tạo.
Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa trở thành một xu hướng chủ đạo và chúng ta vẫn chưa cảm nhận được những tác động của nó. Về nhiều phương diện, phương pháp này có những điểm giống với xu hướng “Dữ kiện lớn” (Big Data) cách đây 5 năm, bắt đầu từ một thuật ngữ thông dụng chưa được hiểu biết rộng rãi, và chứa những hàm ý mà các doanh nghiệp vẫn chưa thể nắm bắt. Nhưng khi những ứng dụng của nó bắt đầu lan rộng, phương pháp này thay đổi hoàn toàn nhận thức về tinh thần tự làm chủ của giới doanh nhân. Tất cả các loại hình doanh nghiệp mới đều đang theo đuổi những nguyên lý như “thất bại nhanh chóng và học hỏi thường xuyên” của phương pháp này, với mong muốn cải thiện cơ hội đạt được thành công. Và mặc dù tên của phương pháp này được gán cho các startup, chính những doanh nghiệp lớn lại là những đối tượng được hưởng nhiều lợi ích nhất khi áp dụng phương pháp này trong lâu dài.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp một cái nhìn tóm tắt tổng quan về “phương pháp khởi nghiệp tinh gọn” và quá trình phát triển của phương pháp này. Và quan trọng hơn, là giải thích được cho bạn bằng cách nào mà phương pháp khởi nghiệp này, khi kết hợp với những xu hướng kinh doanh khác có thể tạo nên một nền kinh tế khởi nghiệp đột phá.
Tư tưởng sai lầm về một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo
Thông thường, điều đầu tiên mỗi nhà sáng lập đều phải thực hiện là xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh – một bản tài liệu mô tả khái quát các cơ hội, các vấn đề cần được xử lý và các giải pháp mà doanh nghiệp mới sẽ mang lại. Và thường kế hoạch này sẽ bao gồm cả thông tin về thu nhập, lợi nhuận và cơ cấu chi phí được dự đoán trong 5 năm. Một kế hoạch kinh doanh như thế về cơ bản giống như một bài tập nghiên cứu, được soạn thảo tại bàn làm việc trước khi một nhà doanh nhân có thể bắt đầu xây dựng một sản phẩm mới của riêng họ. Với giả định của họ rằng, kế hoạch này có thể tìm ra được hầu hết các ẩn số trong suốt quá trình xây dựng doanh nghiệp, trước khi họ có thể huy động vốn và cho ra mắt sản phẩm.
Một khi người doanh nhân đã thuyết phục được những nhà đầu tư bằng bản kế hoạch kinh doanh và nhận được tiền, họ sẽ bắt đầu phát triển sản phẩm với cách thức tương tự. Họ đầu tư hàng giờ làm việc để sản phẩm có thể sẵn sàng ra mắt, nhưng với rất ít phản hồi từ khách hàng. Chỉ sau khi xây dựng và cho ra mắt phẩm, doanh nghiệp mới nhận được lượng đáng kể phản hồi từ khách hàng – khi các nhân viên bán hàng cố gắng để bán chúng. Và thường thì, sau vài tháng hoặc thậm chí là vài năm phát triển, người doanh nhân mới nhận được một bài học đắt giá rằng khách hàng không cần và không muốn sử dụng đến hầu hết các sản phẩm của họ.
Sau nhiều thập kỉ theo dõi hàng ngàn startup áp dụng tiêu chuẩn trên, chúng tôi đã nhận ra được ít nhất 3 điều:
Kế hoạch kinh doanh hiếm khi có thể tồn tại được cho đến lần tiếp xúc đầu tiên với khách hàng. Như võ sĩ quyền anh Mike Tyson từng nói về những chiến lược của các đối thủ trước khi lên sàn đấu:
“Trong đầu họ luôn có một kế hoạch hay ho nào đó, cho đến khi họ bị cho ăn vài đấm.”
Ngoài các doanh nghiệp Liên Xô cũ và đầu tư mạo hiểm, thì không ai muốn yêu cầu những bản kế họach trong 5 năm để dự đoán những điều hoàn toàn không biết. Những bản kế hoạch như thế chung qui chỉ là sự hư cấu, và việc mơ tưởng đến chúng chỉ khiến mất thêm nhiều thời gian.
Startup không phải là một phiên bản thu nhỏ của các doanh nghiệp lớn. Họ không cần phải phát triển rập khuôn theo đúng các kế hoạch tổng thể. Họ là những người đã đạt được thành công sau khi đi từ thất bại này thất bại khác, tất cả đều là sự thích ứng, lặp lại và cải tiến những ý tưởng ban đầu của họ cũng như những gì họ đã học được từ những phản hồi của khách hàng.
Một trong những sự khác biệt quan trọng là trong khi các doanh nghiệp hiện có cố gắng thực hiện một mô hình kinh doanh, các startup lại là những người đi kiếm các giải pháp. Sự khác biệt này là điểm cốt lõi cho việc tiếp cận của phương pháp “khởi nghiệp tinh gọn”. Là điểm nhào nặn nên định nghĩa tinh gọn của một startup: một tổ chức tạm thời được thiết kế để tìm kiếm một mô hình kinh doanh có khả năng lặp lại và mở rộng.
Phương pháp tinh gọn gồm 3 nguyên tắc chính:
Đầu tiên, thay vì tốn kém hàng tháng trời nghiên cứu và lên kế hoạch, các doanh nhân cần phải chấp nhận rằng tất cả những gì họ có trong ngày đầu tiên là một loạt các giả thuyết cơ bản, phỏng đoán chưa được kiểm chứng. Vì thế, thay vì phải viết một bản kế hoạch kinh doanh phức tạp, những nhà sáng lập có thể tổng hợp và tóm tắt những giả thuyết của họ vào một khuôn khổ được gọi là bản kế hoạch Kinh doanh 1 trang (Business Model Canvas). Cơ bản thì đây là một sơ đồ cho việc làm thế nào để tạo giá trị cho một doanh nghiệp và cho khách hàng của doanh nghiệp đó.
Thứ hai, phương pháp khởi nghiệp tinh gọn sử dụng cách tiếp cận “hướng ngoại” hơn được gọi là phát triển khách hàng (Customer Development) để thử nghiệm các giả thuyết của startups. Họ sẽ bước ra ngoài văn phòng và tư vấn cho những người dùng, người mua, và đối tác tiềm năng để nhận lại được phản hồi cho tất cả các yếu tố trong mô hình kinh doanh như: các tính năng /ứng dụng của sản phẩm, giá cả, các kênh phân phối, và các chiến lược thu hút khách hàng tiềm năng. Trọng tâm của cách tiếp cận này là tốc độ: Các doanh nghiệp mới liên tục sản xuất các sản phẩm khả thi tối thiểu (minimum viable product) và tìm kiếm phản hồi từ khách hàng ngay lập tức. Sau đó, sử dụng dữ liệu của khách hàng để xem xét lại các giả thuyết của họ, và họ bắt đầu lại chu trình phát triển sản phẩm của mình – thử nghiệm những sản phẩm mẫu đã được điều chỉnh theo yêu cầu (lặp lại) hoặc thay đổi những điều chỉnh khác không đạt được hiệu quả ở những ý tưởng ban đầu (thay đổi điểm mấu chốt).
Thứ ba, phương pháp khởi nghiệp tinh gọn còn bao gồm một ứng dụng được là phát triển linh hoạt (agile development), được khởi nguồn từ một phương thức được phát triển trong nền công nghiệp phần mềm (agile software development). Phát triển linh hoạt luôn đi cùng với phát triển khách hàng, và không giống như những chu trình phát triển sản phẩm điển hình có thể kéo dài đến cả năm nhưng chỉ chứa những hiểu biết giả định, phương pháp phát triển linh hoạt loại bỏ khoảng thời gian và những nguồn lực bị lãng phí bằng cách phát triển sản phẩm theo từng bước tăng dần và lặp đi lặp lại. Đó là quá trình mà các startup áp dụng để sản xuất các sản phẩm khả thi tối thiểu mà họ đã thử nghiệm trước đó.
Khi Jorge Heraud và Lee Redden bắt đầu xây dựng Blue River Technology, họ từng là sinh viên của tôi tại Đại học Stanford. Họ có một ý tưởng về việc phát triển loại máy cắt cỏ hoàn toàn tự động dành cho những không gian thương mại. Và sau khi tư vấn cho hơn 100 khách hàng trong 10 tuần, họ nhận ra rằng khách hàng mục tiêu – các sân golf – không đánh giá cao ý tưởng của họ. Nhưng sau đó họ bắt đầu nói chuyện với những người nông dân, và nhận thấy những người nông dân này đang tìm kiếm một giải pháp cho việc tiêu diệt cỏ dại, nhưng không sử dụng đến hóa chất và hoàn toàn tự động cho những cánh đồng của họ. Điều này lập tức được Jorge Heraud và Lee Redden ghi nhận. Và trong vòng 10 tuần, Blue River đã phát triển và cho thử nghiệm mẫu máy đầu tiên. Chín tháng sau, startup này đã nhận được khoản tài trợ doanh nghiệp hơn 3 triệu $ và dự kiến cho ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên trong tiếp tục 9 tháng tiếp theo.
Steve Gary Blank
Người dịch – Hồng Ân
Nguồn: https://hbr.org/2013/05/why-the-lean-start-up-changes-everything