Tại sao khởi nghiệp tinh gọn có thể thay đổi mọi thứ? (Phần 2) – eSmart

Tại sao khởi nghiệp tinh gọn có thể thay đổi mọi thứ? (Phần 2)

Hiện trạng “cởi mở” của Startups

Những cách thức tiếp cận của phương pháp khởi nghiệp tinh gọn đang thay đổi cách mà các startup vẫn áp dụng để xây dựng và phát triển doanh nghiệp của họ bấy lâu nay. Như trong suốt khoảng thời gian bùng nổ Bong bóng Dot-com, các startup thường xuyên ở trong trạng thái ẩn mình (tránh “khinh động” đến các đối thủ cạnh tranh biết đến một thị trường tiềm năng), và cẩn trọng sắp đặt những khoảng thời gian thử nghiệm “beta” để ra mắt các sản phẩm mẫu cho khách hàng. Những điều trên đều đã trở nên lỗi thời khi các startup bắt đầu áp dụng phương pháp khởi nghiệp tinh gọn, vì trong hầu hết các ngành công nghiệp, dữ liệu phản hồi của khách hàng quan trọng hơn là việc phải bảo mật thông tin và việc liên tục nhận được phản hồi sẽ mang lại nhiều kết quả tốt hơn là phải từng bước giải mã dữ liệu theo từng khoảng thời gian.

Hai quy tắc “giáo huấn” trên đã được đúc kết trong suốt sự nghiệp làm doanh nhân của tôi (từng tham gia 8 startup công nghệ cao trong vai trò sáng lập cũng như nhân viên phát triển). Khi tôi chuyển sang việc giảng dạy vào khoảng 10 năm trước đây, tôi đã đưa ra công thức phát triển khách hàng được mô tả bên trên. Đến năm 2003 tôi phác thảo quá trình này trong một khóa học tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California ở Berkeley.

Năm 2004, tôi đầu tư vào một công ty mới khởi nghiệp do và Will Harvey sáng lập với điều kiện là họ phải tham dự khoá học của tôi. Eric nhanh chóng nhận ra rằng phát triển theo mô hình thác nước (vốn là truyền thống phát triển doanh nghiệp ngành công nghệ, với cách tiếp cận phát triển sản phẩm tuyến tính) nên được thay thế bằng các kỹ thuật lặp lại linh hoạt. Eric cũng nhìn thấy được sự tương đồng giữa cách làm khởi nghiệp đang nổi này và Hệ thống Sản xuất của Toyota, còn được biết đến là Sản xuất gọn (Lean Manufacturing). Eric gọi sự kết hợp giữa phương pháp phát triển khách hàng và các ứng dụng linh hoạt là “Khởi nghiệp tinh gọn”.

Các công cụ trên được phổ biến nhờ sự thành công của một số quyển sách khá nổi tiếng. Năm 2003, tôi viết quyển Bốn bước chi phục Đỉnh cao (The Four Steps to the Epiphany), lần đầu tiên nêu rõ các startup không phải là phiên bản nhỏ hơn của các công ty lớn và trình bày chi tiết quá trình phát triển khách hàng. Năm 2010, Alexander Osterwalder và Yves Pigneur mang lại cho các doanh nhân một khuôn khổ tiêu chuẩn cho những bản kế hoạch kinh doanh 1 trang trong quyển Tạo lập mô hình kinh doanh (Business Model Generation). Năm 2011, Eric Ries cho xuất bản quyển Khởi nghiệp gọn (The Lean Startup) mang lại một cách nhìn tổng quan hơn. Và vào năm 2012, Bob Dorf và tôi tóm lược những gì chúng tôi biết về các kỹ thuật gọn trong quyển sách hướng dẫn từng bước mang tên Hướng dẫn cơ bản cho Chủ công ty mới khởi nghiệp.

Khoi Nghiep Tinh Gon Books 2 E1491959907797

Phương pháp khởi nghiệp gọn hiện đang được giảng dạy tại hơn 25 trường Đại học và qua một khoá học trực tuyến phổ biến tại Udacity.com. Thêm vào đó, ở hầu hết các thành phố trên thế giới, bạn sẽ tìm thấy các tổ chức như Startup Weekend giới thiệu phương pháp khởi nghiệp gọn đến hàng trăm doanh nhân tiềm năng cùng một lúc. Tại những buổi họp mặt đầy những nhóm startup như thế, họ có thể trao đổi xoay quanh khoảng nửa tá ý tưởng cho những sản phẩm tiềm năng chỉ trong vài giờ. Có thể khá khó tin cho cho những ai chưa từng tham dự, nhưng tại những buổi họp mặt như thế này, những doanh nghiệp đã được thành lập vào chiều ngày Thứ Sáu, thực sự đã có thể kiếm được lợi nhuận từ tối ngày Chủ Nhật.

Xây dựng một nền kinh tế đổi mới dành cho các doanh nghiệp

Nhưng sẽ là nói quá nếu như tin rằng phương pháp khởi nghiệp tinh gọn sẽ đưa các startup nhanh chóng đến với thành công như một số tín đồ vẫn tin hiện nay. Thành công được xác định dựa trên quá nhiều yếu tố để có thể chắc chắn rằng, chỉ áp dụng một phương pháp sẽ giúp bất kỳ startup nào cũng thành công. Nhưng dựa trên cở sở của hơn 100 startup tôi quan sát được tại một chương trình giảng dạy các kỹ thuật tinh gọn, của các doanh nghiệp đã được thành lập có áp dụng phương pháp này, tôi có thể chắc chắn rằng: Áp dụng những kỹ thuật của phương pháp khởi nghiệp tinh gọn vào một danh mục đầu tư của các startup sẽ giúp tránh được nhiều thất bại hơn việc sử dụng các kỹ thuật truyền thống.

Tỷ lệ thất bại thấp ở các startup có tầm quan trọng sâu sắc đối với nền kinh tế. Hiện nay các lực lượng của sự đỗ vỡ, của sự toàn cầu hóa, và những sự điều chỉnh các quy tắc đang làm chao đảo các nền kinh tế ở các nước. Các nền công nghiệp đã được thành lập phải nhanh chóng giảm việc làm, nhiều trong số việc làm đó sẽ không bao giờ xuất hiện lại. Tăng trưởng việc làm trong thế kỷ 21st sẽ phải bắt nguồn từ các doanh nghiệp non trẻ, vì vậy tất cả chúng ta đều có trách nhiệm trong việc tạo dựng một môi trường mà họ có thể đạt được thành công, tiếp tục tăng trưởng và tuyển dụng thêm nhiều nguồn nhân lực. Việc xây dựng một nền kinh tế đổi mới được thúc đẩy bằng chính sự tăng trưởng liên tục của các startup chưa bao giờ cấp bách hơn lúc này.

Trong quá khứ, sự tăng trưởng của các startup bị hạn chế bởi 5 yếu tố sau, bên cạnh tỷ lệ thất bại:

1. Để nhận được khách hàng đầu tiên phải tốn khoản chi phí quá cao và thậm chí còn phải tốn kém khoản chia phí cao hơn nữa khi sản phẩm bị lỗi.

2. Các chu kỳ phát triển kỹ thuật kéo dài quá lâu.

3. Có rất ít người sẵn sàng chấp nhận những rủi ro chực chờ khi thành lập hoặc làm việc cho một startup.

4. Cấu trúc của ngành đầu tư vốn mạo hiểm doanh nghiệp trong một số lượng rất ít các công ty, phải cần đến những khoản đầu tư lớn vào một số rất ít các startup khác chỉ để có một cơ hội đạt được lợi nhuận lớn hơn.

5. Mức độ tập trung của những người có chuyên môn thực sự về việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp mới trên khắp thế giới, phân bổ không được đồng đều.

Cách tiếp cận của phương pháp khởi nghiệp tinh gọn giúp giảm thiểu 2 điều hạn chế đầu tiên bằng cách giúp các doanh nghiệp mới cho ra mắt những sản phẩm mà khách hàng của họ thật sự quan tâm đến, một cách cực kì nhanh chóng và ít tốn kém hơn những phương thức truyền thống, đồng thời giảm cả điều hạn chế thứ ba khi giảm thiểu được rủi ro gặp phải trong quá trình hình thành doanh nghiệp. Sự kết hợp của tất cả các lực lượng này đang làm thay đổi cảnh quan của môi trường kinh doanh.

Phần mềm mã nguồn mở ngày hôm nay như GitHub, và các dịch vụ điện toán đám mây như Amazon, đã cắt giảm được chi phí phát triển phần mềm từ hàng triệu đô xuống chỉ còn hàng ngàn. Các startup về mảng phần cứng không còn phải xây dựng nhà máy sản xuất riêng của họ từ khi các nhà sản xuất nước ngoài trở nên tiếp cận dễ dàng hơn. Và thật sự, các công ty công nghệ non trẻ áp dụng phương pháp Khởi nghiệp tinh gọn có thể ra mắt các phần mềm chỉ vài “bits” qua mạng, hay phần cứng đã được gia công hoàn chỉnh tại Trung Quốc chỉ vài tuần sau khi thành lập đã là chuyện rất rõ ràng hiện nay.

Một xu hướng quan trọng khác là sự phân tán quyền tiếp cận nguồn huy động vốn. Các doanh nghiệp đầu tư mạo hiển thường tập trung chặ chẽ với nhau gần khu vực Thung Lũng Silicon, Boston và New York. Theo hiện trạng của môi trường kinh doanh ngày nay, các quỹ đầu tư “thiên thần” mới ngày càng lớn, tuy vẫn nhỏ hơn các khoản đầu tư mạo hiểm vài trăm triệu đô, nhưng có thể tạo nên các khoản đầu tư từ những giai đoạn hình thành đầu của doanh nghiệp. Trên thế giới, hàng trăm những trung tâm hỗ trợ, như Ycombinator và TechStars, đã bắt đầu hợp thức hóa các khoản đầu tư “hạt giống” (seed invesment). Và các trang web huy vốn cộng đồng như Kickstarter đã cung cấp một phương thức khác, một phương thức tự do hơn cho việc huy động vốn của các startup.

Đầu Tư Khởi Nghiệp Tinh Gọn

Thông tin luôn sẵn có, được cung cấp và cập nhật nhanh chóng cũng là một trong những lợi thế cho doanh nhân thời nay. Trước khi có Internet, những nhà sáng lập doanh nghiệp mới thường được nhận lời khuyên từ những buổi “trà nước” với những nhà đầu từ hoặc doanh nhân khác có kinh nghiệm đi trước. Thử thách lớn nhất hiện nay, là việc phải chọn lọc thông tin từ nhiều lời khuyên đến từ nhiều nguồn khác nhau. Vì thế khuôn mẫu mà phương pháp tinh gọn cung cấp, có thể giúp chúng ta phân biệt được những thông tin có ích một cách nhanh chóng.

Phương pháp khởi nghiệp tinh gọn ban đầu được thiết kế để tạo ra những doanh nghiệp công nghệ có khả năng tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng các khái niệm và ứng dụng của phương pháp hoàn toàn có giá trị đối với việc thành lập các doanh nghiệp khác, vốn chiếm phần lớn nền kinh tế hiện nay. Nếu toàn bộ thế giới kinh doanh đều tìm đến những ứng dụng của phương pháp này, tôi tin rằng nền kinh tế sẽ đạt được mức hiệu quả và khả năng tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

Steve Gary Blank
Người dịch – Hồng Ân

Nguồn: https://hbr.org/2013/05/why-the-lean-start-up-changes-everything

Phần 1

Bạn còn chần chừ gì?

Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay