Khởi nghiệp và chiến trận đều giống nhau, khi trận đấu trở nên khắc nghiệt, chúng ta thường quên mất những quy tắc và chiến thuật đã được học mà trở nên hiếu thắng.
Dưới đây là 10 quy tắc sống còn mà mỗi nhà khởi nghiệp cần phải biết. Bạn có thể không nhớ được tất cả các quy tắc, nhưng có một thứ mà bạn luôn phải nhớ bởi vì nó chính là vị cứu tinh của bạn trong những khoảnh khắc khó khăn: thấu hiểu người tiêu dùng.

1. Chọn một người đồng sáng lập đáng tin cậy
Hầu hết điều khiến các công ty khởi nghiệp thất bại là sự bất ổn trong nội bộ của họ. Nguồn gốc của sự bất ổn này đến từ việc chọn sai người đồng sáng lập. Họ không hẳn là người xấu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ không thể làm tròn được vai trò của mình trong một dự án khởi nghiệp, như đi du học hoặc bận thực hiện dự án khác. Đó lý do tại sao rất khó để lựa chọn được một người đồng sáng lập có thể kề vai sát cánh bên bạn gầy dựng sự nghiệp.
2. Khởi động nhanh
Người dùng sẽ không thể sử dụng được sản phẩm của bạn cho đến khi công ty bạn thật sự hoạt động. Trì hoãn càng lâu sẽ càng khiến bạn tốn thêm nhiều chi phí, thậm chí là thất bại. Tôi không nói rằng bạn phải lập tức đưa công ty đi vào hoạt động khi nó chưa sẵn sàng nhưng đừng dậm chân tại chỗ quá lâu nếu không muốn con đường sự nghiệp của bạn trở nên gập ghềnh hơn.
3. Hãy để ý tưởng của bạn phát triển
Nhiều startup thành công nhờ vào việc thay đổi ý tưởng ban đầu của họ. Paypal khởi nghiệp với ý tưởng rằng họ sẽ chuyển tiền thông qua PalmPilot (PDA). Chắc trong chúng ta chẳng còn mấy ai nhớ đến PDA nữa. Vậy nên nếu họ không sẵn sàng thay đổi các ý tưởng, chúng ta sẽ không bao giờ biết đến họ. Hầu hết các ý tưởng đều xuất hiện sau khi bạn khởi nghiệp. Bởi vì chỉ khi bắt đầu hoạt động bạn mới có thể phát hiện những thiếu sót cũng như cơ hội để doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Vậy nên, đừng ngần ngại thay đổi nếu điều ấy đem lại lợi ích cho công ty của bạn.

4. Hiểu người dùng
Nếu bạn hỏi ý kiến mọi người xem họ có cảm thấy hứng thú với dự án khởi nghiệp của bạn hay không, câu trả lời đương nhiên sẽ là có. Vì mọi người xung quanh luôn có phản hồi khá tử tế với những câu hỏi như vậy. Nhưng thực chất điều đó không có ích gì cho bạn. Hãy quan sát sự hài lòng của họ dựa trên thời gian và tiền bạc mà họ bỏ ra cho dịch vụ/sản phẩm của bạn. Nếu họ thực sự cần đến và sử dụng những mặt hàng của bạn, thì thât là tốt khi nhận được những lời khen ấy. Còn nếu những gì họ phản hồi với bạn chỉ là những lời có cánh và không thật sự ưa chuộng sản phẩm của bạn, đó là lúc bạn cần phải lo lắng cho sự nghiệp của mình.
5. Cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng hiệu quả
Hãy thử cung cấp một dịch vụ chăm sóc khách hàng không chỉ tốt đơn thuần, mà tốt đến ngạc nhiên. Người dùng của bạn sẽ tràn ngập sự hài lòng. Trong những giai đoạn ban đầu khi mới khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng không chỉ để tăng quy mô công ty, mà còn là cách để bạn tìm hiểu người dùng của mình.
Xem thêm: Để những ý tưởng tồi tệ nhất trở thành những ý tưởng tuyệt vời nhất
6. Chi tiêu tiết kiệm
Nhiều startup đã thất bại trước khi họ có thể làm ra được thành phẩm, và lý do thường là hết tiền. Không cần biết bạn có số vốn bao nhiêu nhưng dự án khởi nghiệp của bạn luôn cận kề sự thất bại nhiều hơn bạn tưởng, trừ phi dự án ấy liên tục sinh lợi nhuận. Vì vậy hãy chi tiêu tiết kiệm. Tiền đầu tư không phải là số tiền bạn đang có.
7. Lợi nhuận “mì ăn liền”
Cho dù startup bạn chỉ đạt được một ít lợi nhuận, cũng có nghĩa là đã có một ai đó trân trọng giá trị sản phẩm của bạn khi mua nó. Đó là một dấu hiệu hoàn toàn tốt để công ty tiếp tục phát triển và vấn đề tiếp theo là làm thế nào để có thêm nhiều khách hàng như vậy.
8. Tránh những điều gây sao nhãng
Lý do duy nhất để startup tồn tại là phục vụ người dùng. Việc kêu gọi vốn, những lớp học hay những dự án bên ngoài đều là những thứ gây sao nhãng. Mặc dù chúng đều có ích, nhưng chúng làm mất thời gian, sự tập trung cho việc hình thành ý tưởng và xây dựng sản phẩm.
9. Đừng để mất tinh thần
Trong một startup, không điều gì có thể xảy ra cho đến khi bạn tạo điều kiện cho nó. Giả dụ như mọi người không gửi phản hồi, khách hàng làm mọi cách để không trả tiền, hay đối tác không ghé đến, các nhà đầu tư ít dần và thành viên thì bỏ cuộc, bạn sẽ làm gì nếu gặp những điều ấy? Bạn không thể bỏ đi. Chỉ cần cố gắng bước qua cho đến khi bạn tìm thấy những gì người dùng cần thì thành công sẽ đến với bạn. Bởi vì khoảnh khắc lúc bạn từ bỏ, cũng là lúc mọi thứ thực sự kết thúc.
10. Vững vàng trước những giao dịch thất bại
Có thể là khó tin, nhưng ngay cả sau khi các nhà đầu tư đồng ý, họ vẫn có thể bỗng nhiên hủy hợp đồng với bạn. Sẽ có những người cảm thấy bất an với những ý tưởng của bạn, những người có suy nghĩ khác bạn, hoặc hối hận với các giao dịch. Hãy giữ vững tinh thần dể đón nhận những điều như thế trong các cuộc giao dịch tiếp theo và tiếp tục bước đi.
Anna Vital
Paul Graham – “Startups in 13 Sentences”
Nguồn: http://fundersandfounders.com/13-startup-survival-rules/