
Hợp tác kinh doanh với một hay một vài đối tác là một trong những cách thức hiệu quả và rất phổ biến giúp phát triển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc mở rộng tiếp cận khách hàng mới, xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp cung cấp thêm được nhiều giá trị cho khách hàng hiện hữu của mình.
Xây dựng và mở rộng quan hệ đối tác kinh doanh như một cách để tăng tốc độ tăng trưởng đang được rất nhiều doanh nghiệp triển khai. Theo khảo sát của PwC, 49% các CEO công ty chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch mở rộng mạng lưới đối tác kinh doanh cho doanh nghiệp. Những lợi ích từ chiến thuật này mang lại sự tăng trưởng cho doanh nghiệp và nó đứng thứ 3 sau tăng trưởng hữu cơ (79%) và cắt giảm chi phí (62%).
Hãy cùng eSmart khám quá mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua Chuỗi bài viết về 30 Case Study điển hình về Hợp tác kinh doanh điển hình trên thế giới. Mở đầu chuỗi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về mối quan hệ giữa Facebook và Google vốn giống như “những kẻ nửa bạn nửa thù”.
Bản thân Google cũng lo lắng rằng Facebook, một trong những nhà mua quảng cáo lớn nhất thế giới, sẽ cạnh tranh với Google trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số này. Hai ông lớn đã kết hợp và chiếm trọn hơn một nửa tổng chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số vào năm 2019.
I. Cú bắt tay bí mật giữa Google và Facebook
Trong thị trường quảng cáo trực tuyến, khi các công ty muốn hiển thị quảng cáo trên trang web, họ phải tổ chức một phiên đấu thầu vị trí (trên website, bộ máy tìm kiếm…). Công ty nào đưa ra mức giá cao nhất, quảng cáo của họ sẽ được hiển thị. Ước tính đến năm 2016, hơn 70% nhà đầu tư đã áp dụng phương thức này.
Google đang là dịch vụ thương mại thống trị đa phần máy chủ và sàn giao dịch quảng cáo trên thế giới. Vì vậy, số tiền tại hầu hết phiên đấu thầu đều chạy vào “túi” của ông lớn này.
Năm 2017, Facebook nổi lên như một đối thủ thách thức sự thống trị của Google trong thị trường quảng cáo trực tuyến. Công ty này cho biết họ đang thử nghiệm một phương thức đấu thầu quảng cáo mới với mục tiêu dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, chưa đầy hai năm sau, Facebook bất ngờ hủy bỏ dự án của mình không rõ lý do.
Sau đó, những CEO đang hợp tác với Google đã đưa đơn khiếu nại về việc Facebook đang mua quảng cáo trên YouTube với giá rẻ hơn.
Những tài liệu từ văn phòng Bộ trưởng Tư pháp cho thấy, Google đang có những “đặc quyền” dành cho Facebook. Điều này khiến các nhà quảng cáo khác đặt ra nghi vấn Google ưu ái Facebook hơn để đổi lại mạng xã hội này không cạnh tranh nền tảng quảng cáo với họ.
Giao dịch bí mật giữa Facebook và Google khiến các tập đoàn lớn không khỏi lo ngại. Họ sợ rằng cả 2 ông lớn này sẽ cùng nhau độc chiếm giao dịch tại các phiên thầu giá quảng cáo, quyết định người thắng cuộc trong thị trường dịch vụ và chi phối các sản phẩm công nghệ.
Trước những cáo buộc trên, Google và Facebook khẳng định các giao dịch tương tự rất phổ biến trong ngành quảng cáo và chúng không cản trở cạnh tranh.
“Đây là những cáo buộc sai sự thật, hoạt động kinh doanh quảng cáo của chúng tôi còn liên quan đến nhiều khía cạnh. Facebook là một trong nhiều công ty tham gia vào chương trình do Google tổ chức và tất cả đều bình đẳng”, Julie Tarallo McAllister, đại diện phát ngôn của Google, cho biết.
II. Lợi ích từ cái bắt tay của 2 ông lớn trong ngành
1. Quảng cáo kỹ thuật trở thành “mỏ vàng chung”
Theo Wall Street Journal, sự gia tăng của các vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google và Facebook đã khiến những giao dịch ngầm giữa các Big Tech rơi vào tầm ngắm của giới truyền thông.
Vào tháng 10/2020, Bộ Tư pháp đã kiện Google vì một thỏa thuận với Apple. Cụ thể, Google đã yêu cầu Apple để công cụ tìm kiếm của họ xuất hiện ưu tiên trên iPhone và các thiết bị khác. “Các nền tảng công nghệ lớn đang liên minh với nhau, điều này sẽ củng cố sức mạnh độc quyền của họ trên thị trường”, Sally Hubbard, cựu trợ lý của Bộ trưởng Tư pháp tại Cục Cạnh tranh New York, hiện làm việc tại Tổ chức Thị trường mở cho biết.
Đến năm 2019, tổng doanh thu quảng cáo của Google và Facebook đã chiếm hơn một nửa thị phần. Phần lớn quảng cáo được hiển thị trên các nền tảng như công cụ tìm kiếm Google và trang chủ của Facebook.
2. Dưới sự hậu thuẫn của Google, Facebook đang độc chiếm sàn đấu giá
Trước đây, Facebook từng gọi Google là bên “chỉ biết độc chiếm và ngụy tạo sự thật”. Ám chỉ việc Google đang thống lĩnh sàn đấu giá tại hậu hết công ty quảng cáo. Tuy nhiên, trước những thử thách phải chi hàng tỷ đô, thuê hàng trăm kỹ sư để cạnh tranh với Google, Facebook đã chọn ký vào thỏa thuận.
Những nhà đầu tư cho biết họ vui mừng khi Facebook trở thành đối thủ của Google. Họ sẵn sàng hợp tác với Facebook để đưa ra những chính sách thỏa đáng hơn nhằm cạnh tranh với Google Ads. Tuy nhiên, hy vọng của họ đã bị dập tắt.
Theo đơn khiếu nại, Google đã cho Facebook quyền được đấu giá trực tiếp với các chủ trang web. Bên cạnh đó, Google còn cung cấp cho Facebook thông tin của 80% người dùng di động và 60% người dùng web.
Đối với những đối tác khác, Google sẽ kiểm soát thông tin về giá cả, che giấu số tiền mà các trang web trúng thầu nhận được, nhằm cản trở các phiên giao dịch.
Nghiêm trọng nhất, tuyên bố trong đơn khiếu nại đã cáo buộc cả 2 công ty này tự ý quyết định tỷ lệ thắng thầu quảng cáo cố định của Facebook. Điều này có nghĩa không cần là người đưa ra mức giá cao nhất, Facebook vẫn thắng thầu với tỉ lệ có trước. Nhiều đối tác của Google cho biết họ không nhận được sự trợ giúp tương tự.
“Facebook đang tham gia vào một cuộc đua, nhưng họ đã ở sẵn vạch đích”, Adam Heimlich, CEO của Chalice Custom Algorithm, công ty tư vấn tiếp thị và dữ liệu khoa học, chia sẻ.
3. Facebook và Google hợp tác xây dựng tuyến cáp quang biển xuyên Thái Bình Dương
Facebook và Google đã hợp tác để xây dựng một tuyến cáp quang biển khổng lồ xuyên Thái Bình Dương đến Trung Quốc. Đây là một trong những hoạt động mới nhất của các công ty công nghệ lớn của Mỹ nhằm kiểm soát nhiều hơn và tốt hơn hệ thống đường truyền dữ liệu internet dưới biển. Hai hãng công nghệ lớn của Mỹ đang đầu tư mạnh tay vào dự án kết nối internet siêu tốc có chiều dài 8.000 dặm (12.874 km) nối liền giữa Los Angeles (Mỹ) và Hồng Kông, đặc khu kinh tế của Trung Quốc và là một trung tâm dữ liệu internet quan trọng của châu Á.
Hiện mỗi ngày hai tập đoàn công nghệ này đều phải xử lý một lượng lớn dữ liệu được đăng tải từ 1,7 tỷ người dùng Facebook trong đó phần lớn là việc đăng tải video, cũng như những người truy cập vào các dữ liệu trên máy chủ của Google. Thay vì dựa vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng bởi các công ty viễn thông để kết nối mạng trên toàn thế giới, Facebook và Google đang có xu hướng tự làm mọi thứ.
Facebook đã hợp tác với Microsoft để xây dựng một tuyến cáp truyền dữ liệu nhanh hơn qua Đại Tây Dương. Và đối với Google, đây sẽ là tuyến cáp thứ sáu mà công ty này góp cổ phần để thực hiện. Dự án mới này là kết nối mạng trực tiếp đầu tiên giữa Los Angeles và Hồng Công, nó cung cấp băng thông rộng hơn bất kỳ kết nối internet nào khác giữa Mỹ và châu Á. Và có khả năng xử lý cùng một lúc lên đến 80 triệu cuộc gọi video có độ nét cao như: hội thảo truyền hình giữa các châu lục.
Hợp tác với Facebook và Google trong dự án này là một công ty ít được biết đến có trụ sở tại Hồng Kông có tên là Công ty Truyền dữ liệu Ánh sáng Thái Bình Dương (Pacific Light Data Communication). Wei Junkang, Chủ tịch công ty Pacific Light, cho biết họ rất vui mừng vì cùng được tham gia với những hãng công nghệ toàn cầu như Google và Facebook.
Các điều khoản tài chính trong hợp đồng cũng như thông tin chi tiết về dự án chưa được tiết lộ, các công ty đều từ chối và không đưa ra lời bình luận. Tuy nhiên các thiết bị cho hệ thống cáp sẽ do công ty chuyên về cáp ngầm dưới đáy biển là TE SubCom cung cấp.
Hiện nay, Google cũng đang bận rộn xây dựng doanh nghiệp Google Fiber để mang kết nối băng thông rộng đến các thành phố trên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, Facebook và Google cũng đang làm việc cùng nhau trên các công cụ thử nghiệm như khinh khí cầu khổng lồ và máy bay không người lái có trang bị laser để đưa internet đến các vùng sâu vùng xa. Cáp quang ngầm dưới biển đang ngày càng được nhiều công ty công nghệ lớn quan tâm, hợp tác xây dựng nhằm phục vụ hoạt động truyền dữ liệu ngày càng tăng lên. Facebook và Google đều có rất nhiều dữ liệu để gửi và nhận giữa các máy chủ riêng của họ nên đây lý do chính khiến hai hãng công nghệ lớn này muốn có cổ phần trong phương thức kết nối, truyền dữ liệu bằng cáp quang.
Mọi người đều biết Google và Facebook là đối thủ lớn nhất của nhau trong mảng quảng cáo trực tuyến, song một hồ sơ tòa án cho thấy hai tập đoàn đã hợp tác. Mọi người tưởng các nền tảng lớn đang cạnh tranh mạnh mẽ và chống lại nhau. Nhưng thực ra, theo nhiều cách, họ đang củng cố sức mạnh độc quyền của nhau thông qua hợp tác.